Đánh giá tác động của chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020

  • Chia sẻ:

Tác động đối với nền kinh tế

Tình hình dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới, kể cả các nước láng giềng còn diễn biến phức tạp và khả năng còn kéo dài, nhiều nước vẫn thực hiện lệnh đóng cửa và hạn chế nhập cảnh. Vì vậy, việc giao thương hàng hóa của các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam còn chịu nhiều tác động. Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động, ổn định kinh tế - xã hội. Giá thành sản phẩm của tổ chức, cá nhân được cấu thành từ nhiều nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào, trong đó có nguồn nước sử dụng cho sản xuất. Do đó, việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân góp phần giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy những ngành nghề sản xuất khác và duy trì được lao động việc làm hiện có.

Tác động đối với xã hội

Ban hành chính sách này tác động trực tiếp đến tổ chức, cá nhân khai thác nước phục vụ sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn do tác động của dịch ovid-19 và gián tiếp tác động đến đời sống xã hội như: Giảm nguy cơ mất việc làm đối với trường hợp doanh nghiệp đình trệ sản xuất; duy trì lao động, việc làm cho người dân đối với trường hợp tổ chức, doanh nghiệp ổn định được sản xuất; ổn định việc làm sẽ hạn chế những tệ nạn xã hội.

Tác động đến thu ngân sách Nhà nước

Giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020.

Tác động đến thủ tục hành chính

Tác động về thủ tục hành chính của chính sách nêu trên được đánh giá trên cơ sở các phương án thực hiện:

Phương án 1:

Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, hính phủ sẽ ban hành Nghị quyết, trong đó quy định: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân trong năm 2020, cụ thể như sau:

Đối với trường hợp đã phê duyệt tiền cấp quyền trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành: Phê duyệt danh sách và số tiền được miễn đối với các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020. Thông báo Quyết định phê duyệt danh sách và số tiền được miễn đến cơ quan thuế địa phương nơi có công trình khai thác nước để thực hiện.

Đối với trường hợp phê duyệt tiền cấp quyền sau thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành: Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phải xác định rõ số tiền của tổ chức, cá nhân được miễn trong năm 2020 và thông báo Quyết định này đến cơ quan thuế địa phương nơi có công trình khai thác nước để thực hiện theo trình tự quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP.

Phương án 2:

Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, hính phủ sẽ ban hành Nghị quyết, trong đó quy định: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân trong năm 2020, cụ thể như sau:

Đối với trường hợp đã phê duyệt tiền cấp quyền trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành: Căn cứ các Quyết định đã phê duyệt, cơ quan phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước gửi thông báo kèm mẫu kê khai miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đến các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được miễn; tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai theo hướng dẫn tại thông báo và gửi đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền thực hiện tổng hợp, thẩm định và quyết định phê duyệt danh sách và số tiền được miễn, thông báo đến cơ quan thuế địa phương nơi có công trình khai thác, sử dụng nước để thực hiện.

Đối với trường hợp phê duyệt tiền cấp quyền sau thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành: Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phải xác định rõ số tiền của tổ chức, cá nhân được miễn trong năm 2020 và thông báo Quyết định này đến cơ quan thuế địa phương nơi có công trình khai thác nước để thực hiện theo trình tự quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP. -

Về lựa chọn phương án thực hiện:

Đối với phương án 1: Phương án này có tính khả thi cao và không phát sinh thủ tục hành chính.

Đối với phương án 2: Tổ chức, cá nhân đề xuất, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng đây là trường hợp có phát sinh thủ tục hành chính. Trong thực tế, một số tổ chức, cá nhân không có khả năng tự thực hiện và đã thuê tư vấn để thực hiện, vì vậy với phương án này, tổ chức, cá nhân có thể tiếp tục thuê tư vấn để thực hiện, dẫn đến phát sinh chi phí, kéo dài thời gian thực hiện. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền cũng phát sinh nhân lực và chi phí để thực hiện việc thẩm định.

Qua phân tích nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ xem xét, chọn phương án 1 để thực hiện là phù hợp và đảm bảo hiệu quả.