Một số biện pháp thực thi việc phân loại rác tại nguồn
Mặc dù đã trải qua nhiều năm nghiên cứu, xây dựng với rất nhiều mô hình thí điểm, song việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn vẫn đang là một bài toán khó đối với nước ta.
Để thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, các bộ ngành và các địa phương đang đẩy mạnh các biện pháp từ chính sách đến xây dựng các mô hình thí điểm về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn. Tuy đã trải qua nhiều năm nghiên cứu và rất nhiều mô hình thí điểm, song việc phân loại CTRSH tại nguồn vẫn đang là một bài toán khó đối với nước ta.
Tại diễn đàn "Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt" TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đã đề xuất một số biện pháp tăng cường thực thi việc phân loại CTRSH tại nguồn.
Ảnh minh hoạ
Những điểm mới trong quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Năm 2020, Luật BVMT được Quốc hội ban hành, thay thế cho Luật BVMT 2014. Có rất nhiều nội dung mới theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Theo TS. Hoàng Dương Tùng, đối với quản lý rác sinh hoạt, có một số điểm mới cần được nhận thức rõ như sau:
Thứ nhất, Luật BVMT 2020 được ban hành cũng là lần đầu tiên có các qui định bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn, không còn là khuyến khích như các Luật ban hành trước đó (nếu không phân loại sẽ bị từ chối thu gom và bị phạt).
Thứ hai, rác được phân thành 3 loại: có khả năng tái chế, thực phẩm, khác (bao gồm nguy hại, cồng kềnh và rác thông thường khác).
Thứ ba, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và phải trả tiền theo lượng rác thải ra (PAYT), phải đổ rác đúng giờ đúng nơi quy định.
Thứ tư, các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, hạ tầng và nhân công theo Hợp đồng ký kết để thu gom vận chuyển xử lý rác đã phân loại
Thứ năm, phân cấp mạnh mẽ trong quản lý rác. Vai trò và trách nhiệm mới của cơ quan TW (Bộ TNMT), của địa phương cấp tỉnh, cấp quận huyện và cấp xã phường; Vai trò của các cơ quan đoàn thể các cấp.
Nghị định 08/2022 cũng đã qui định lộ trình thực hiện phân loại rác tại nguồn (3 năm chuẩn bị), theo đó đến 1/1/2025, các hộ phải phân loại rác tại nguồn, nếu không sẽ bị phạt theo Nghị định 45/2022.
Nhiều hoạt động đã được triển khai tại cấp trung ương và địa phương
TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, sau 2 năm rưỡi thực thi Luật BVMT, nhiều hoạt động đã được triển khai tại cấp TW và địa phương.
Tại cấp Trung ương, một số văn bản pháp qui dưới Luật đã được ban hành như: Nghị định 08/2022, Nghị định 45/2022, Thông tư 02/2022 của Bộ TNMT.
Tháng 11/2023, Bộ TN&MT cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Hiện tại. Bộ TN&MT đang tập hợp ý kiến để hoàn thiện và chuẩn bị ban hành 2 thông tư về "Quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH”, "Định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH”.
Một số địa phương đã ban hành Kế hoạch và bắt đầu triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn như: Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định,…
Một số tỉnh đã hạn chế chôn lấp, đầu tư các lò đốt rác thu hồi năng lượng qui mô lớn như Cần Thơ, Hà Nội... Một số tỉnh đã triển khai hiệu quả các dây chuyền xử lý rác thực phẩm qui mô tập trung như Bình Dương, Hải Phòng...
Một số địa phương đang thực hiện khá thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn như: Hải Phòng, Cần Thơ, Hội An… cùng với các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phân loại CTR tại nguồn.
Hầu hết các địa phương còn khá lúng túng khi triển khai phân loại rác
Theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai PLRTN theo Luật BVMT 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch PLRTN. Các địa phương đang đợi các hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện. Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết (theo QD 592 năm 2014 của Bộ Xây dựng), chưa có thay đổi trong công tác thu gom, vận chuyển xử lý. Vẫn còn khoảng trống trong việc xử lý rác thực phẩm (đầu tư, qui trình, định mức và tiêu thụ đầu ra…).
Một câu hỏi đặt ra trong lúc này là: còn vài tháng nữa là đến hạn bắt buộc phải triển khai PLRTN theo quy định, liệu thời hạn này các địa phương có đáp ứng được không? Đã chuẩn bị được những gì? những khó khăn, những vướng mắc gì cần phải giải quyết?
Một số đề xuất thực thi việc phân loại rác tại nguồn
Trước thực tế nêu trên, TS. Hoàng Dương Tùng đã đưa ra một số đề xuất là lộ trình đối với công tác phân loại rác tại nguồn, cụ thể như sau:
Tháng 6- 9/2024, Bộ TN&MT xây dựng và ban hành văn bản qui định hướng dẫn: Quy trình, định mức thu gom vận chuyển xử lý theo hướng mở hơn, rộng hơn, bao quát hơn Quyết định số 592 của Bộ Xây dựng, đáp ứng yêu cầu thu gom vận chuyển xử lý CTR đã phân loại, khuyến khích đổi mới phương thức thu gom (để nâng cao hiệu quả kiểm tra, tăng cường trách nhiệm của các hộ dân) cơ giới hóa công tác thu gom; Hướng dẫn xử lý rác thực phẩm; Hướng dẫn kỹ thuật triển khai thu phí theo lượng rác qua túi (PAYT); Tài liêu cho các module đào tạo nâng cao nhận thức; Hướng dẫn xây dựng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả; Hướng dẫn các biện pháp kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm; Hướng dẫn huy động sự tham gia của cộng đồng.
Trên cơ sở các hướng dẫn của Bộ, các địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, xây dựng kế hoạch phân loại rác tại nguồn tạm thời; Phân công vai trò trách nhiệm của Sở TNMT, quận huyện, phường; Xây dựng và ban hành các định mức và yêu cầu kỹ thuật của hợp đồng thu gom vận chuyển xử lý, vệ sinh môi trường; Xây dựng và ban hành hướng dẫn PLRTN cụ thể cho từng quận huyện; Hướng dẫn các quận/huyện, phường/xã triển khai thu phí theo lượng rác qua túi (PAYT); Xây dựng các module/tài liệu tuyên truyền, đào tạo tập huấn cho các đối tượng khác nhau phù hợp với địa phương; Bố trí kinh phí triển khai một số chương trình thí điểm đối với các khu dân cư khác nhau để rút kinh nghiệm triển khai rộng rãi; Xây dựng các chỉ tiêu đánh giá; Ban hành các các biện pháp kiểm tra xử lý; Ban hành các chính sách tăng cường sự tham gia của cộng đồng...
Các đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ công ích thu gom vận chuyển xử lý cần thống nhất với địa phương (quận, phường) phương thức thu gom rác đã phân loại, địa điểm, tần suất, thời gian đối với các loại rác thực phẩm, rác có khả năng tái chế, tái sử dụng, nguy hại, cồng kềnh, rác thông thường khác; Chuẩn bị các trang thiết bị thu gom vận chuyển, hạ tầng kỹ thuật xử lý rác đã phân loại theo yêu cầu của Hợp đồng mới; Thống nhất với địa phương phương án xử lý rác thực phẩm; Đào tạo cán bộ, công nhân, người lao động.
Từ tháng 9 đến 12/2024, các địa phương bố trí kinh phí, cán bộ để phổ biến thông tin, tuyên truyền, đào tạo tập huấn cho các nhóm đối tượng cán bộ quản lý cấp tỉnh; quận/huyện, phường/xã, tổ dân phố/thôn xóm; các hộ gia đình, các chủ nguồn thải; Tiến hành thí điểm tại một số quận/huyện, phường/xã, tổ dân phố/thôn xóm; Sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, hoàn thiện bổ sung kế hoạch, ban hành kế hoạch thực hiện cho năm 2025.
Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/mot-so-bien-phap-thuc-thi-viec-phan-loai-rac-tai-nguon-a163322.html